Dandelion02

CHƯƠNG 8: SỞ MẬT THÁM GIET-TA-PO CHÚ Ý ĐẾN CÁ NHÂN HEN-RÍCH

-     Anh Hen-rích , trung tướng giao cho anh một nhiệm vụ khẩn cấp đây – Lút nói – phải chọn một địa điểm thuận tiện để bắn thử súng cối. Chiều dài của bãi bắn phải hơn 600 mét, chiều rộng hơn 200 mét. Làm sao cho bãi bắn đừng có cây cối và khỏi phải đặt trạm gác.
-     Thế có cỏ có được không?
-     Nên định hướng cho bãi bắn. Sẽ bắn thử đạn cháy loại mới. Tôi thấy là – Lút nói tiếp và bước lại tấm bản đồ trải trên bàn - ở chỗ này, về phía tây bắc Xanh Rê mi có một cao nguyên có thể dùng được. Sau khi ăn cơm trưa xong, anh đến đấy xem. Phải đi ngựa, xe ô-tô không vào đấy được. Mang theo hai tên lính của đại đội cảnh vệ và nên cầm đi một khẩu tiểu liên.
-     Khẩu súng lục mười sáu phát của tôi cũng chả kèm gì tiểu liên.
-     Phải cẩn thận đấy, có tin cho biết là bọn du kích vẫn xông xáo ở ngoại thành.
-     Tôi sẽ đi ngay.
Mười lăm phút sau, Hen-rích đã lên đường với một tên lính chăn ngựa đeo tiểu liên đi bộ về.
Được năm cây số thì hết đường cái và phải lần theo con đường mòn dốc ngược để trèo lên cao nguyen. Ngựa sợ dốc nên cứ lồng lên.
-     Anh đứng lại đây giữ ngựa và chờ tôi – Hen-rích ra lệnh và ném dây cương cho tên chăn ngựa rồi bắt đầu lên dốc, trong chốc lát đã trèo đến cao nguyên. Khoảng đất này rộng thực, dài chừng bốn cây số, rộng chừng bốn trăm mét, nằm dưới chân ngọn núi đá cao. Ngoài lớp cỏ mượt ra, ở đây chẳng có cây cối gì cả. Chỉ mãi tận đằng mép cái hình đa giác nhân tạo này mới thấy lô nhô mấy bụi cây cành lá um tùm. Những tảng đá lớn bao bọc lấy bãi này.
Cũng chỉ cần thế này thôi! – Hen-rích nghĩ thầm và bắt đầu đi vòng quanh bãi. Khi anh rời núi đã rẽ vào dưới lùm cây thì chợt nghe tiếng người từ đâu vẳng đến. Hen-rích ngoái nhìn quanh và trông thấy phía bên kia cao nguyên hai thường dân Pháp vừa mới ló ra khỏi núi đá. Người già hơn khoác khẩu tiểu liên Đức trên cổ, người kia không đeo súng. Họ đi về phía vườn nho, vừa đi vừa trò chuyện ầm ỹ.

Hen-rích thoáng có ý nghĩ là mình đã rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Làm thế nào bây giờ? Khẩu súng lục tự động của anh thì không chê vào đâu được, mà hai người nọ lại cứ đi lững thững thậm chí chẳng buồn liếc nhìn xung quanh nữa. Để cho họ tới gần và rút súng ra lia trong khi họ chưa trông thấy mình? Nhưng họ đầu phải là kẻ thù! Đó là những người bạn, cũng như anh, đang chiến đấu với kẻ thù, kẻ thù chung của anh và của họ. Bước ra đón họ và nói chuyện một cách hòa bình chăng/ Nhưng chắc anh sẽ không kịp mở miệng đâu! Chỉ cần thoáng thấy bóng quân phục sĩ quan Đức là họ nổ súng ngay tức khắc. Cứ nấp mãi sau gốc cây hay sao? Nhưng cuối cùng thế nào họ cũng trông thấy vì hai người du kích đang đi thẳng đến vườn nho dưới rặng cây.

Nép mình sau gốc cây, Hen-rích nắm chặt lấy báng súng lục và dán mắt vào hai người ấy. Họ đã đến gần. Khi họ còn cách anh chừng sáu thước Hen-rích thình lình nhảy ra khỏi chỗ nấp và quát to:
-     Haut les mains! (tiếng Pháp, có nghĩa là giơ tay lên)
Vì bất ngờ nên hai người du kích đứng sững lại và khi thấy nòng súng đen ngòm chĩa về phía mình, họ từ từ giơ tay lên
Nhận thấy anh chàng trẻ tuổi hơn ngọ ngậy, Hen-rích liền thò tay trái rút phăng khẩu súng lục nữa ra và nghiêm khắc bảo:
-     Không được bỏ tay xuống!
Hai người du kích nhìn hai nòng súng với cặp mắt hình như tuyệt vọng.
-     Nếu các anh tuân lệnh tôi, tôi xin bảo đảm không những là tính mạng mà cả tự do cho các anh nữa – Hen-rích đổi giọng bảo.
-     Nói dối! – ngươi đứng tuổi hằn học thốt lên.
-     Các anh có thể đi khỏi nơi này. Chỉ cần nhớ là nếu anh nào chực buông tay xuống hay mò vào súng thì tôi sẽ bắn ngay lập tức. Mà tôi đã bắn thì có chạy đằng trời cũng không thoát nổi.
Người du kích già nhìn anh thanh niên như dò hỏi.
-     Hễ chúng ta quay lưng là hắn lia luôn đấy – anh giận dữ nói.
-     Thế tại sao tôi không bắn các anh ngay lúc này, khi hai tay tôi cầm hai khẩu súng lục? Tôi chỉ cần khẽ bóp cò là các anh sẽ đi đời… Không cần phải nói lôi thôi gì nữa. Nhưng dặn các anh một điều : du kích lúc nào cũng phải cầm súng ở tay chứ không phải là bỏ trong túi. Đằng này các anh cứ ung dung như đi dạo mát trên bãi biển, thế mà cũng gọi là lính! Thôi , đủ rồi. Tournez-vous! (Đằng sau quay) – Chạy thường, chạy!
Chàng thanh niên quay đằng sau và từ từ bước. Người du kích kia cũng bước theo. Thoạt tiên, họ đi thong thả, chắc đang chờ hai phát đạn vào lưng, nhưng dần dần họ bước nhanh hơn, sau đó co cẳng chạy, thỉnh thoảng ngoái nhìn lại.
Hen-rích cũng tiến về phía dốc để đi xuống khỏi cao nguyên. Hai người du kích đã chạy đến núi đá và bây giờ chăm chú theo dõi hành động của gã sĩ quan Đức kỳ quái này. Anh thân mật vẫy chào hai tù binh vừa được thả và vội vã xuống dốc.
Mấy phút sau hai người du kích chỉ còn thấy bóng hai con ngựa đang phi nước đại trên con đường về thành phố.
-     Anh có hiểu tí gì không? – người trẻ tuổi hỏi người già.
-     Chịu – người kia nhún vai.
Và cả người đàn bà đang nấp trong vườn nho theo dõi màn kịch vừa qua cũng chả hiểu gì hết.
Ngồi thụp xuống sau bụi cây, bà ta suýt chết nhất đi vì sợ, khi thấy gã sĩ quan Đức chĩa súng vào ngực Giăng Tac-van và Pi-e Cooc-vin. Đến nỗi bà ta phải bưng tai lại để khỏi nghe tiếng súng nổ. Nhưng không có tiếng nổ nào cả, mà bà lại được nghe lỏm được những mẩu đối thoại rất lạ lùng khiến bà cứ ngờ người ra.
Chưa đến nữa giờ , Hen-rích đã về tới nhà và vui vẻ báo cáo cho đại úy Lút về cái bãi bắn tuyệt đẹp mà anh đã tìm ra để thử kiểu súng cối mới.
-     Thế nhưng bao giờ mới bắn thử? – anh hỏi Lút .
-     Một ngày gần đây. Trung tướng chúng mình là ủy viên ban giám khảo. Ông ta sẽ quy định thời gian. Tôi cho rằng, ông ta không để lâu đâu. Hơn nữa, ở đây đúc cả đạn lẫn súng.
-     Về điểm này chắc anh đã nhầm. Quanh thành phố Xanh-Rê mi tôi chả thấy một chỗ nào có vẻ là một xí nghiệp lớn như vậy cả.
Lút mỉm cười.
-     Thế trên đường đến bãi bắn anh không thấy một nhà máy nhỏ bên phải đường hay sao?
-     Cách chừng một cây số rưỡi ấy à?
-     Ừ, đúng nó đấy.
-     Không tin được! Cũng không thể gọi là nhà máy được kia. Như một xưởng tiểu thủ công thôi.
-     Đó chỉ là bề ngoài. Bề ngoài quả thực chả có gì giống một binh công xưởng lớn hết, bởi vì...
Lút ngừng lại, định làm cho lời nói của mình có vẻ bất ngờ hơn – bởi vì nhà máy xây dựng ở dưới đất! Ở đó có hơn một ngàn tù binh làm việc: Nga, Pháp, Balan, Tiệp, tóm lại là những người không bao giờ được nhìn thấy ánh mặt trời một lần nữa. Họ làm việc, ăn, ngủ và thậm chí… chết dưới đất nữa. Người ta sẽ chôn họ ngay dưới mặt đất.
-     Quỷ quyệt nhỉ! – Hen-rích buộc miệng kêu lên.
Quả thật anh sửng sốt trước cái tin đột ngột và có ích cho anh. Phải lập tức báo cho bộ tư lệnh Hồng quân biết.
-     Khi tôi nói là chôn họ ngay ở đấy thì không có nghĩa là người ta xây nghĩa trang ngầm dưới mặt đất đâu. Người ta thiêu xác họ, lấy gio bán rẽ cho nông dân địa phương bón ruộng. Dĩ nhiên, người mua không hề biết thứ phân bón đó lấy ở đâu ra… Anh thấy đấy, một sự tận dụng triệt để - Lút mỉm cười mỉa mai và kết luận.
-     Hen-rích không thể không nhận thấy là Lút nói câu cuối cùng với một giọng chế giễu chua chát.
Có tiếng chuông điện réo.
-     Trung tướng gọi tôi. Có lẽ chóng thôi. Nếu có thể thì anh cứ đợi ở đây.
-     Thôi, tôi đi tắm rửa một tí đây, đi đường bụi bặm lắm. Sẽ gặp nhau ở câu lạc bộ.
Không phải chỉ có một mình trung tướng. Có cả tên thiếu tá Mi-le , trưởng ban mật thám S.S ngồi đối diện lão.
Lút rất ghét cái tên Giét-ta-po tự phụ, láo xược này và vừa ngạc nhiên vừa khó chịu khi thấy hắn ngồi chễm chệ trong văn phòng tư lệnh… chắc Mi-le sộc thẳng vào chổ E-véc trong khi Lút đang chạy đi đâu chốc lát.
-     Anh Lút – lão trung tướng trỏ vào cỗ ghế bành bên cạnh Mi-le – Ông thiếu tá đến có việc cần và tôi muốn rằng anh cũng tham gia thảo luận. Ông Mi-le muốn biết rõ ý kiến nhận xét của anh đối với viên sĩ quan đặc trách là trung úy Hen-rích Phôn Gôn rinh.
Lút ngơ ngác nhìn lão trung tướng rồi nhìn sang Mi-le. Cái mõm của hắn mới đáng tởm làm sao kia chứ! Nhất là cái mũi nhọn hoắt với cái cằm gẫy làm cho hắn có vẻ một con chó săn hung hăng. Còn đôi mắt tròn ti hí thì nhìn xoáy vào mặt người ta một cách xoi móc, như hai mũi khoan.
-     Tôi quen biết trung úy Hen-rích Phôn Gôn rinh kể từ ngày anh ấy mới đặt chân tới sư đoàn này và có thể nói tóm tắt rằng, đó là một sĩ quan có học thức, có khả năng và hoàn toàn đáng tin cậy.
-     Ông Mi-le thấy đấy, ý kiến của viên bí thư hoàn toàn giống ý kiến tôi – E-véc gật gù.
-     Thưa trung tướng, tôi cũng không nghi ngờ gì nam tước Phôn Gôn rinh đâu, nhưng chúng tôi đã nhận được lời tố giác – Mi-le giơ ngón tay  cười nham hiểm – lời tố giác đó cụ thể như thế nào thì tôi không thể nói ra đây được. Ngoài ra , chúng tôi vẫn có nhiệm vụ, như ngài đã biết, thẩm tra từng sĩ quan mới đến mà lại làm công việc dính líu tới các tài liệu mật. Thưa trung tướng , chính vì vậy mà tôi phải đến đây hỏi ý kiến ngài. Và ngài cần giúp tôi trong việc này.
-     Nhưng ông Mi-le ạ, ông nên nhớ là không phải chúng ta bàn về một sĩ quan xa lạ nào, mà là bàn về nam tước Phôn Gôn rinh, người mà đại tá Béc-gôn biết từ tấm bé! Đại tá đã trực tiếp nói với tôi điều này. Mà bản thân đại tá Béc-gôn lại là bạn tri kỉ của ngài bộ trưởng Him-le. Hơn nữa, hiện nay, đại tá đang công tác tại Béc-lanh, trong tổng hành dinh của ngài Him-le! Ông thử tưởng tượng ngộ lỡ ra đại tá Béc-gôn biết được việc thẩm tra này thì sao!
-     Nhưng chúng tôi nhận được chỉ thị thẩm tra hết thảy mọi người, không trừ ai! Và hôm nay, tiếc rằng vì chưa nắm rõ lý lịch của trung úy Phôn Gôn rinh nên tôi đã gọi dây nói báo cho thượng cấp biết về lời tố cáo bí mật mà chúng tôi vừa nhận được và cấp trên đã hạ lệnh phải thẩm tra ngay lập tức. Bây giờ mới biết mình vội quá! Nhưng, xin ngài tin là nam tước không biết gì đâu.
-     Nhưng , chúng tôi có liên quan gì tới việc này? – E-véc hỏi, giọng hơi bực tức.
-     Chúng tôi cần sự giúp đỡ của ngài- Mi-le giải thích – Ngài cần phái nam tước đi Li-ông. Việc này sẽ giúp chúng tôi thực hiện kế hoạch đã vạch ra. Tốt hơn hết là phái nam tước mang tập công văn đến bộ tham mưu quân đoàn. Những việc khác thì cứ phó mặc chúng tôi. Về kết quả việc thẩm tra chúng tôi xin báo riêng với ngài. Thưa trung tướng, mong rằng ngài sẽ giúp cho và xin cam đoan là không ai biết việc này đâu.
-     Được rồi – E-véc đồng ý – nhưng đừng đòi hỏi gì thêm ở chúng tôi nữa nhé. Thế cụ thể bao giờ cần phái nam tước đi?
-     Hôm nay, xe lửa khởi hành lúc 16 giờ 40.
-     Thiếu tá ạ, mong rằng từ nay ông sẽ không mang những vấn đề có liên quan tới viên sĩ quan của tôi đến đây để làm phiền chúng tôi nữa chứ?
-     Xin thú thực rằng chính tôi cũng đang rất lo lắng về câu chuyện này sau khi ngài cho biết về quan hệ mật thiết giữa Phôn Gôn rinh với ngài Béc-gôn. Nhưng rút lui thì đã quá muộn, bởi vì chúng tôi đã nhận được lệnh nghiêm và đồng ý với kế hoạch của thượng cấp về công việc thẩm tra này. Thế là chúng ta đã thỏa thuận về mọi mặt. Xin kính chào trung tướng.
Mi-le nghiêng mình chào và ra đi.
-     Đại úy ạ, tôi chẳng ưa cái tên tự phụ này chút nào – Khi cánh cửa đã khép lại, trung tướng bực tức bảo Lút – Nhưng chúng ta cũng chả có quyền từ chối. Dù sao cũng chớ nên để cho Hen-rích biết việc thẩm tra này. Nếu không, có thể hắn sẽ dùng thế lực của Béc-gôn mà gây cho chúng ta khá nhiều chuyện rầy rà đấy. Trêu vào tay ngài bộ trưởng Him-la thì chẳng khác gì cầm đuốc xông vào kho thuốc nổ.
-     Nhãi nhép như Hen-rích thật chưa bõ bèn gì đối với manh vuốt của chó sói Mi-le!
-     Nhưng nội nhật hôm nay anh phải cử nam tước đến Li-ông ngay đấy.
-     Hen-rích là sĩ quan đặc trách, cho nên nếu có cử anh ấy mang công văn thường đến bộ tham mưu quân đoàn thì anh ấy cũng chả nghi ngờ gì đâu. Thậm chí có lẽ anh ấy cũng chả biết trong phong bì có những gì. Nhưng việc còn lại thì chúng ta không chịu trách nhiệm.
-     Thế thì anh chuẩn bị tập công văn đi và thay mặt tôi giao cho trung úy, rồi dặn mang đến Li-ông. Chỉ cần là chớ lộ ra điều gì cả.
-     Xin trung tướng yên tâm.
Hen-rích gặp một bà nông dân già cạnh cửa khách sạn Tăm-pơ-lơ. Chắc hẳn anh cũng chả trông thấy người đàn bà này, nếu bà ta không nhìn anh đăm đăm bằng cặp mắt dịu hiền và cúi đầu chào rất lễ độ.
-     Bonjour, monsieur ! (Chào ông)
-     Bonjour, madame! (Chào bà) – Hen-rích sửng sốt đáp lại. Theo nhận xét riêng, anh đã thừa biết là người Pháp hết sức tránh chào hỏi binh lính và sĩ quan Đức.
Bước vào khách sạn, Hen-rích định đi thẳng lên phòng mình nhưng dọc đường lại bị bà Tác-van giữ lại. Lần này môi bà không nở nụ cười nhà nghề của bà chủ khách sạn như ngày thường nữa. Nét mặt bà lộ vẻ cảm động, môi run run. Nhưng đôi mắt thì âu yếm lạ thường và thoáng vẻ dò xét.
-     Ngoài phố nóng bức quá, nam tước nhỉ - bà Tác-van dịu dàng nói.
-     Tôi chưa quen với cái thời tiết trái mùa như thế này – Hen-rích gật đầu.
-     Ông có muốn uống thứ gì man mát không?
-     Thế bà có những thức gì ạ?
-     Ồ, tôi sẽ kiếm cho ông một chai rượu sâm banh cũ tuyệt ngon.
Hen-rích bước vào phòng , còn bà Tác-van thì chạy vội đi đâu đó. Một phút sau bà quay lại với một chai rượu vang và một chiếc cốc.
-     Thứ vang này ngon thực – Hen-rích nhấp thử một ngụm và khen – Bây giờ tôi mới hiểu là tại sao rượu sâm banh Pháp lại nổi tiếng khắp nơi như vậy.
-     Tiếc rằng đây lại là chai cuối cùng, tôi giữ nó để dành cho dịp đặc biệt.
-     Thế thì nên để dùng trong gia đình và tôi không hiểu…
-     Ồ, nam tước ạ, hôm nay là ngày hạnh phúc của tôi.
-     Tôi chả dám ba hoa, nhưng rất sung sướng được uống mừng ngày ấy. Tại sao bà không rót rượu cho mình.
Bà Tác-van mang đến một chiếc cốc nữa và Hen-rích tự tay cầm lấy chai rượu rót đầy cốc. Rượu vang sắc vàng sóng sánh sau lớp thủy tinh mỏng.
-     Thưa bà, chúng ta sẽ nâng cốc chúc mừng cái gì?
-     Trước hết tôi muốn uống mừng sức khỏe nam tước. Đặc biệt mừng ông… mừng riêng ông – giọng nói của bà Tác-van run run, và bà lấm lét nhìn quanh mặc dầu trong phòng chả có ai cả.
-     Ồ, nam tước đã đem lại cho tôi một cái ơn không thể nào quên được!
Không hiểu gì hết. Hen-rích ngơ ngác nhìn bà chủ khách sạn. Bà nghiêng người và như một kẻ âm mưu chuyện kín, thì thầm nói, có vẻ sợ ai nghe trộm.
-     Phải, phải, một ơn lớn không bao giờ quên được! Tiếc rằng tôi không có quyền nói toạc ra đây. Ồ, ông ạ, tôi hiểu là trong cái thời buổi chó má này thì phải câm miệng hến! Nhưng tôi mong ông nhớ rằng mụ Tác-van này không đến nỗi vong ơn. Tôi luôn luôn, luôn…
-     Tôi thì không muốn làm bà phật ý, - Hen-rích ngắt lời – nhưng xin thú thật là tôi không đoán nổi ý bà định nói gì đây.
-     Nam tước ạ, tôi hiểu ông lắm! Tôi sẽ xin im, im lặng… im lặng cho đến cái lúc… được tha hồ reo to lên…
-     Thưa bà, bà cảm động quá rồi đấy! Chúng ta hãy gác câu chuyện này… cho tới giờ phút mà bà vừa nói.
Hen-rích đứng dậy và chực đặt tiền lên bàn.
-     Nam tước ạ, hôm nay tôi thết đãi ông đấy! Ngạc nhiên về thái độ của bà Tác-van, về lời chào hỏi niềm nở của bà nông dân đứng ngoài cửa khách sạn, Hen-rích cứ dạo mãi trong phòng và băn khoăn tìm cách cắt nghĩa những hiện tượng ấy. Tuy vậy, anh vẫn không thể tự giải thích nổi! “Phải chăng hôm nay cũng là ngày hạnh phúc của mình?” – Cuối cùng , anh chặc lưỡi và cầm lấy quyển từ điển, vì sực nhớ ra, hôm qua, đã giao hẹn với Mô-níc bắt đầu bài học từ buổi sáng.
Nhưng, lúc ấy cô Mô-níc đang ở cách nhà rất xa. Cô đứng trong sàn nhà máy điện, sốt ruột đợi Phơ-răng-xoa và phát cáu vì anh ra chậm.
-     Anh đã ra lệnh cho em là nếu không có gì cần thì đừng đến cơ mà – Phơ-răng-xoa nói vậy, nhưng khi thấy nét mặt lo lắng của Mô-níc , thì liền hỏi.
-     Có việc gì thế?
-     Có việc này vô lí lắm.
-     Cụ thể là việc gì? – Phơ-răng-xoa nóng nảy hỏi dồn.
-     Cách đây nửa giờ, bà Đu-ren chạy tới nhà em kể rằng chính mặt bà trông thấy một sĩ quan Đức bắt gặp anh Giăng và Pi-e Coocvin trên núi, cạnh vườn nho nhà bà…
-     Trời đất, thế thì Giăng và Pi-e bị bắt rồi! – Phơ-răng-xoa rên lên.
-     Hãy khoan! Không phải thế đâu! Gã sĩ quan tha cả hai người… Lại còn chỉnh là thiếu đề phòng cẩn thận!
-     Sa-a-a-o? Cô mất trí rồi. Hay là có lẽ bà Đu-ren này phát điên đấy?
-     Bà Đu-ren hoàn toàn tỉnh táo, và bà ấy còn thề rằng đúng như vậy. Thậm chí bà còn nhận được mặt tên sĩ quan Đức.
-     Tên nào vậy?
-     Nam tước Phôn Gôn rinh! Bà ấy nhận ra gã trong tiệm ăn nhà em thì mẹ em vẫn thường mua rượu vang của bà Đu-ren nên bà ta đến nhà em luôn.
-     Lại Phôn Gôn rinh!
Phơ-răng-xoa đưa tay lên sờ sờ sống mũi dài và ngồi xuống ghế băng. Mô-níc hồi hộp theo dõi vẻ mặt anh, nhưng không nhận thấy gì ngoài vẻ bối rối.
-     Thế anh cắt nghĩa chuyện đó thế nào? – Cô ta không nhịn được.
-     Bây giờ thì xin chịu. Hôm nay phải tìm cách gặp Giăng cho kỳ được, hỏi anh ấy cặn kẽ và nếu quả thực như vậy, lúc đó…
-     Lúc đó thế nào?
-     Bây giờ tôi chưa nói được thế nào cả. Vì bản thân tôi cũng chả hiểu gì sất… Một sĩ quan phát xít, một tên nam tước, bắt được hai du kích, rồi lại thả ra…. Không, thế nào ấy chứ. Có thể là hắn khiêu khích chúng mình, làm cho chúng ta tin… Không, phải kết luận hết sức cẩn thận… Và em phải chú ý theo dõi gã nam tước này hơn nữa và phải coi chừng. Thế em đã đặt quan hệ như thế nào với hắn?
-     Gã đề nghị em giúp gã nghiên cứu tiếng Pháp.
-     Tất nhiên em đồng ý chứ?
-     Vì nhớ mệnh lệnh nghiêm khắc của anh nên em phải nhận lời.
-     Thế hắn đối xử ra sao? Em đã moi được điều gì chưa?
-     Chưa, hắn rất kín đáu, lễ độ và không có ý tán tỉnh em.
-     Em trò chuyện với hắn những gì?
Mô-níc thuật lại câu chuyện nói với Hen-rích về tiếng Pháp và tương lai nước Pháp. Phơ-răng-xa hỏi cô gái mấy vấn đề có liên quan tới Hen-rích, nhưng những câu trả lời hình như cũng chả giúp anh rõ thêm được tí gì.
-     Gã nam tước này là một nhân vật bí hiểm – Phơ-răng-xoa đứng dậy – Dù sau cũng cần báo cho anh em mình đừng vô tình bắn vào gã. Có thể gã đúng thức là người chống phát xít và muốn giúp chúng ta. Nhưng phải thẩm tra lại kỹ càng. Bây giờ thì hãy đề phòng , lợi dụng những bài dạy tiếng Pháp để dò la thêm.
-     Bảo mệ cô và bà Đu-ren đừng nói gì với ai cả. Còn cô thì cứ làm như chưa biết chuyện gì.
Phơ-răng-xoa đẩy mạnh chiếc xe đạp và nói đùa thêm:
-     Và để trả ơn gã đã thả anh cô, coi chừng không khéo lại cảm gã nam tước này mất.
     Mô-níc bực tức lườm anh và dậm lên bàn đạp.

1
Nặc danh nói... on lúc 17:45 16 tháng 1, 2011

Mình rât thích những thể loại truyện như thế này.

Đăng nhận xét